rải qua nhiều thăng trầm, hiện nghề trồng cam ở Gia Luận vẫn được duy trì, cho hiệu quả tốt và là nguồn thu nhập chủ đạo của nhiều hộ gia đình.
Xã Gia Luận, huyện Cát Hải (Hải Phòng) vốn nổi tiếng với nghề trồng cam giấy. Các bậc cao niên kể lại rằng, nhờ đặc thù tự nhiên, đặc biệt do chất đất mà cam giấy tại đây không giống với bất kỳ loại cam ở vùng miền nào nên được dùng để tiến vua.
Hiệu quả
Gia đình ông Vũ Hữu Dũng, xã Gia Luận là một trong những hộ đi tiên phong trong phát triển kinh tế, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong khi một vài hộ chuyển sang ngành nghề khác, gia đình ông vẫn kiên quyết giữ nghề trong suốt 20 năm nay, bởi hơn ai hết ông hiểu rằng, cây cam chính là sản phẩm tạo nên thương hiệu của địa phương. Bảo hộ nhãn hiệu tập thể là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá sản phẩm cam Gia Luận. Vấn đề đặt ra với các cấp ngành địa phương là cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại sản phẩm này để cam giấy Gia Luận sớm có chỗ đứng trên thị trường.
Với diện tích khoảng 1 ha vườn đồi, qua bàn tay cần cù chịu khó, từ những cây cam đầu tiên, đến nay vườn cam của gia đình ông có 600 – 700 gốc, trải rộng cả sườn núi và đều cho thu hoạch. Nhờ sự kiên trì bám trụ với nghề, vườn cam của ông Dũng cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Ông Dũng chia sẻ, năm 2014, gia đình ông thu được 15 tấn cam, giá bán 30.000 đồng/kg, cho thu nhập 450 triệu đồng. Theo ông Dũng, cam ở Gia Luận được khách hàng rất ưa chuộng. Các thương lái thường đến tận vườn để thu mua. Tuy vậy, nghề trồng cam cũng đòi hỏi không ít công sức của người trồng. Để có trái cam chín mọng, thơm ngon, người trồng phải chăm chỉ làm cỏ, xới đất, bón phân vào gốc để cam sinh trưởng, phát triển tự nhiên.
Nhờ có diện tích rộng, ông đã kết hợp trồng cam với chăn nuôi lợn, từ đó tận dụng nguồn phân để bón cho cam. Cách làm này vừa đảm bảo cam sinh trưởng tốt mà về lâu dài lại không gây hại cho đất. Trải qua nhiều năm gắn bó với nghề, hiện nay ông Dũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong chăm sóc, điều trị bệnh cho cam. Nhờ đó, năm nào vườn cam của gia đình cũng giữ được sản lượng ổn định.
Không có thâm niên trồng cam lâu năm như ông Dũng, gia đình chị Vũ Thị Nguyệt, xã Gia Luận mới chuyển sang làm nghề này từ năm 2007 đến nay, bắt đầu từ chương trình phát triển cam của Hội Làm vườn thành phố. Nhờ được hỗ trợ 100% cây giống và phân bón, gia đình chị đã mạnh dạn trồng trên 2 mẫu đất với khoảng 300 gốc cam và đến nay đã cho thu hoạch. Chị Nguyệt chia sẻ, để cam cho sản lượng tốt, sau khi thu hoạch xong phải tỉa cành sạch sẽ, bón phân xung quanh gốc cam, chủ yếu là phân lợn đã được ủ từ 1 – 2 năm. Khi cam ra hoa và có quả, cần tăng cường chăm sóc để kịp thời phát hiện sâu bệnh nhằm đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu. Năm 2014, vườn cam của chị Nguyệt đã mang lại thu nhập 70 – 80 triệu đồng cho gia đình. Nhận thấy hiệu quả tích cực từ nghề trồng cam giấy, chị Nguyệt dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng cây cam ra diện tích vườn còn trống với mong muốn phát triển kinh tế từ nghề này.
Tìm đầu ra
Cam Gia Luận có hình dáng cây, quả giống như cam Canh. Khi chín, cả 2 loại cam này đều có màu đỏ tươi, chỉ khi ăn mới phân biệt được sự khác nhau giữa cam Canh và cam Gia Luận. Cam Gia Luận có vỏ mỏng, vị ngọt kèm theo vị chua thanh mát, rất hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu đem trồng ở địa phương khác thì không giữ được nguyên hương vị. Đây chính là nét đặc thù làm nên sự khác biệt của cam giấy Gia Luận. Được trồng bằng phương pháp chiết cành, sau 3 – 5 năm trồng, cam Gia Luận bắt đầu cho thu hoạch. Những cây trồng càng lâu cho quả càng ngon bởi rễ và gốc cam ăn sâu vào lòng đất, hút được nhiều chất dinh dưỡng để nuôi cây.
Vốn là cây trồng truyền thống, gắn bó lâu đời với người dân trên địa bàn xã, được trồng tại hầu hết các khu vườn trong làng, nhưng từ sau năm 1990, cây cam bị dịch bệnh lá vàng, gân xanh. Các vườn cam đều chết. Những người mặn mà với cây cam đã mạnh dạn chiết cành, đem cam vào các thung, áng của xã để trồng và thấy cam phát triển khỏe mạnh. Để duy trì, bảo tồn giống cam quý này, từ năm 2004 đến nay, đã có nhiều dự án trồng cam được triển khai trên địa bàn xã. Riêng năm 2013, xã Gia Luận được huyện Cát Hải hỗ trợ 350 triệu đồng thể thực hiện thí điểm việc khôi phục lại nghề trồng cam giấy truyền thống. Theo đó, dự án có 75 hộ dân được lựa chọn tham gia, với trên 1.000 gốc cam được trồng mới. Hiện nay, diện tích trồng cam trên toàn xã đã phát triển tới 24 ha, với khoảng 120 hộ trồng. Sản lượng bình quân đạt khoảng 50 – 70 tấn mỗi năm.
Mặc dù nghề trồng cam giấy ở xã Gia Luận đang là hướng phát triển kinh tế chủ đạo và mang lại hiệu quả tốt cho nhiều hộ dân, song hiện nay, nghề này cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về dịch bệnh trên cam và thị trường tiêu thụ. Về dịch bệnh, người dân vẫn còn thiếu kiến thức chuyên môn trong phòng và trị bệnh cho cây cam, gây ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cam hàng năm, làm giảm thu nhập. Với mục tiêu đến năm 2020, xã sẽ phát triển diện tích trồng cam lên 35 – 40 ha, trong khi thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn ở địa bàn huyện. Nếu sản lượng cam ngày một tăng trong khi thị trường tiêu thụ không ổn định, nghề trồng cam giấy sẽ đứng trước nguy cơ lao đao, khó có thể phát triển bền vững. Được biết, Sở KH-CN Hải Phòng đang phối hợp với UBND xã Gia Luận hoàn thành các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam giấy.
Nguồn: nongnghiep.vn